Các nhà khoa học đã giải đáp được bí ẩn kéo dài hơn ba thập kỷ về các cấu trúc hình tròn khổng lồ trên bề mặt Sao Kim, từng được tàu Magellan của NASA ghi nhận từ những năm 1990. Phát hiện này đã làm sáng tỏ hiểu biết của chúng ta về địa chất trên hành tinh này.
Nghiên cứu do Tiến sĩ Madison Borrelli và các cộng sự thực hiện đã lập bản đồ 3D từ dữ liệu của tàu Magellan và phát hiện ra rằng những hình ảnh vòng tròn trông như “chiếc bánh kếp” kỳ lạ trên Sao Kim thực chất là các ngọn núi lửa nhưng mang hình dạng các ngọn đồi thấp, tròn và có đỉnh phẳng.

Vòng tròn hoàn hảo trên bề mặt Sao Kim
Cấu trúc địa chất độc đáo của Sao Kim là nguyên nhân hình thành nên các núi lửa này. Không giống như Trái Đất, nơi lớp vỏ bao gồm nhiều mảnh kiến tạo cứng, lớp vỏ Sao Kim là một khối liền, mềm dẻo. Điều này dẫn đến việc các núi lửa trên Sao Kim không hình thành những đỉnh cao vút mà sụp xuống các hố lõm, tạo nên hình dạng đặc trưng.
Dữ liệu phân tích từ cấu trúc Narina Tholus đã xác thực giả thuyết này. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện rằng mật độ và độ nhớt của dung nham cũng đóng vai trò quan trọng. Mô hình mô phỏng cho thấy dung nham trên Sao Kim có mật độ và độ nhớt rất cao, khác biệt so với trên Trái Đất.
Sự kết hợp giữa cấu trúc vỏ hành tinh đặc biệt và tính chất vật lý của dung nham đã tạo nên những hình tròn hoàn hảo trông như kiến trúc nhân tạo. Tiến sĩ Borrelli cho biết nhóm đang mong đợi dữ liệu chi tiết hơn từ các sứ mệnh thăm dò sắp tới như VERITAS của NASA để kiểm chứng và mở rộng mô hình giả thuyết hiện tại.