Trang chủ Giáo dụcDu học Hoãn thi IELTS rồi vội cấp phép, có giám sát được chất lượng?

Hoãn thi IELTS rồi vội cấp phép, có giám sát được chất lượng?

bởi Linh

Hai ngày sau khi Hội đồng Anh thông báo hoãn tổ chức các kỳ thi IELTS và Aptis, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 11-11 đã phê duyệt cho Hội đồng Anh được cấp phép thi trở lại với chứng chỉ Aptis.

Cần thực thi đúng quy định pháp luật

Bộ GD-ĐT cho biết đã phê duyệt cho 5 công ty liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis với Hội đồng Anh trong 5 năm. Bộ GD-ĐT yêu cầu các bên tuân thủ quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Đề thi, quy trình đăng ký dự thi, tổ chức thi, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, bảo mật; đội ngũ của các bên thực hiện theo quy định của Hội đồng Anh và pháp luật. Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang đốc thúc Hội đồng Anh hoàn thiện nốt các thủ tục để cấp phép chương trình IELTS. Việc cấp phép cho các chứng chỉ khác cũng đang được khẩn trương thực hiện.

Nhìn nhận từ vụ việc, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp – Bộ GD-ĐT, cho rằng việc Hội đồng Anh cùng nhiều tổ chức khác thông báo tạm dừng hàng loạt kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không xuất phát từ quy định mang tính “tức thời” của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ GD-ĐT. Cụ thể, như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP. Để cụ thể hóa các yếu tố bảo đảm chất lượng theo Nghị định 86, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26-7-2022. Trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện văn bản, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp và gián tiếp đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước, quốc tế và đã nhận được sự đồng thuận. Thời gian lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức là 60 ngày theo quy định của pháp luật nhưng thực tế dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT từ tháng 11-2021 và được ban hành vào cuối tháng 7-2022.

Ở góc độ là các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, khi có quy định mới liên quan lĩnh vực hoạt động của mình thì phải tuân thủ, nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp phép theo quy định mới nhưng các đơn vị liên kết lại không mấy quan tâm. Đây là điều Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ có nêu: “Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam…”.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, mọi hoạt động giáo dục trên lãnh thổ Việt Nam cần thực thi theo đúng quy định của luật pháp. Một số tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ tiếng Anh cần rút kinh nghiệm về việc tuân thủ luật pháp nước sở tại. Về phía người học, cần tìm hiểu những quy định, thủ tục pháp lý trước khi bỏ tiền ra để học. “Bộ GD-ĐT cũng nên có sự phối hợp tốt hơn giữa Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục trung học và Cục Hợp tác quốc tế. Một khi bộ cho phép sử dụng chứng chỉ IELTS, rất cần có việc kiểm soát bảo đảm chất lượng của bất kỳ trung tâm nào” – TS Vinh đề nghị.

Hoãn thi IELTS rồi vội cấp phép, có giám sát được chất lượng? - Ảnh 1.

Trung tâm khảo thí IELTS của IDP tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Hoãn thi rồi cấp phép đều… đột ngột!

TS Vũ Thị Phương Anh – nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng – ĐHQG TP HCM, Ủy viên Ban Chấp hành Phân hội Giảng dạy tiếng Anh Việt Nam – cho rằng những kỳ thi càng lớn, càng quan trọng bao giờ cũng tiềm ẩn khả năng gian lận cao. Vì thế, hoạt động của nó cần được quản lý, giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT tăng cường kiểm ra, giám sát là thể hiện trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực được giao.

Việc các đơn vị liên kết thông báo tạm hoãn hàng loạt kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là khá đột ngột, tác động đến nhiều đối tượng. Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ban hành ngày 26-7-2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có hiệu lực từ ngày 10-9-2022, tính đến ngày 10-11 (ngày Hội đồng Anh ra thông báo tạm tạm hoãn kỳ thi IELTS và Aptis) mới tròn 2 tháng.

Việc các đơn vị liên kết tạm hoãn hàng loạt kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài là điều không hay với cơ quan quản lý nhà nước. Lẽ ra, cơ quan quản lý cần nhắc nhở các đơn vị thực hiện quy định mới, quá thời hạn cho phép, nơi nào không tuân thủ sẽ bị xử lý. Điều bất ngờ là ngay sau khi các đơn vị liên kết tạm dừng tổ chức thi thì ngày 11-11, Bộ GD-ĐT lại cấp phép cho 5 đơn vị trong nước liên kết với Hội đồng Anh tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis và đốc thúc phía Hội đồng Anh hoàn thiện nốt các thủ tục để cấp phép chương trình IELTS – điều này có nghĩa là các đơn vị liên kết đã nộp hồ sơ chứ không phải làm ngơ. “Với các đơn vị liên kết tổ chức thi, việc phải tạm hoãn tất cả kỳ thi cũng là không hay vì ảnh hưởng trước tiên đến hoạt động kinh doanh của họ và ảnh hưởng tới khách hàng” – TS Vũ Thị Phương Anh nhận định.

Các đơn vị được bộ cho phép liên kết tổ chức thi ngày 11-11 gồm Công ty TNHH Bristish Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty CP Truyền thông Giáo dục và Thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển Giáo dục Thời Đại. Địa điểm tổ chức thi là Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế và TP HCM.

Một chuyên gia cho rằng nhìn vào giấy phép bộ mới cấp, chỉ thấy toàn công ty TNHH đăng ký liên kết chứ không có các trường đại học lớn, uy tín trong đào tạo ngoại ngữ. Thêm vào đó, địa điểm tổ chức thi Aptis trong quyết định cấp phép của Bộ GD-ĐT là căn hộ chung cư liền kề (36 Galaxy 6, số 69 Tố Hữu, quận Hà Đông, TP Hà Nội), biệt thự (BT U05 khu đô thị mới Đô Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội), đường số 6 khu đô thị Sao Đỏ (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), số 154-154A Trần Quang Khải (quận 1, TP HCM)… liệu có bảo đảm chất lượng hay không? 

Hàng ngàn thí sinh bị ảnh hưởng

Trả lời nghi vấn việc dừng tổ chức IELTS để thanh tra liên quan đến những phản ánh mua đề IELTS gần đây, Hội đồng Anh khẳng định các đơn vị đồng sở hữu kỳ thi IELTS rất nghiêm túc trong việc ngăn chặn và giải quyết các sai phạm và gian lận trong kỳ thi. Kỳ thi IELTS được bảo mật chặt chẽ với nhiều cấp độ xuyên suốt trước, trong và sau kỳ thi nhằm bảo đảm tính chính xác và tin cậy của một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ chuẩn quốc tế. Hội đồng Anh nói thêm rằng các đối tượng lừa đảo thường mạo danh là đối tác hoặc có mối quan hệ với các đơn vị đồng sở hữu kỳ thi IELTS và có thể cung cấp đề thi trước ngày thi chính thức. Thí sinh cần phải cảnh giác khi tiếp nhận những thông tin lừa đảo này. Các trường hợp gian lận nghiêm trọng có thể sẽ bị cấm thi trong vòng 2 năm, đồng thời sẽ bị từ chối xét duyệt trong khoảng thời gian quy định bởi các tổ chức công nhận chứng chỉ IELTS trên toàn cầu.

Theo bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, ước tính có hàng ngàn thí sinh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quyết định hoãn thi và Hội đồng Anh đang làm việc chặt chẽ với Bộ GD-ĐT để có được các phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Trưa 11-11, đại diện tổ chức này cho hay chưa thể biết đến khi nào Bộ GD-ĐT mới cấp phép cho tổ chức lại các kỳ thi IELTS nên chưa thể xác định chính xác số lượng lượt thi bị tạm dừng. Trong khả năng xấu nhất, nếu việc tổ chức thi IELTS bị hoãn đến hết năm 2022, hàng trăm lượt thi theo kế hoạch ban đầu sẽ phải tạm hủy.

Trong khi đó, hiện nhiều trường đại học dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế làm chuẩn đầu ra, nếu tắc kỳ thi IELTS sẽ dẫn đến tắc việc xét công nhận tốt nghiệp cho sinh viên. Điều này ảnh hưởng đến nhiều sinh viên trong nước. Cùng IELTS, nhiều trường đại học hiện dùng Aptis để xét đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội…

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)