Một nghiên cứu đột phá kéo dài suốt một thập kỷ đã tiết lộ rằng hóa thạch khủng long có thể nắm giữ chìa khóa để hiểu rõ hơn về ung thư và mở ra hướng điều trị mới cho căn bệnh này.
Phát hiện đáng kinh ngạc
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Biology, các nhà khoa học từ Đại học Anglia Ruskin (ARU) và Trường Cao đẳng Hoàng gia London đã khám phá ra các cấu trúc giống tế bào hồng cầu được bảo tồn trong một mẫu hóa thạch khủng long.

Một cá thể Telmatosaurus transsylvanicus
Giáo sư Justin Stebbing, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại ARU, cho biết ý tưởng thực hiện nghiên cứu bắt nguồn từ năm 2016 sau khi ông đọc được một bài viết về việc phát hiện hóa thạch tại Romania có dấu hiệu mang khối u ở xương hàm.
Hóa thạch này thuộc về một con Telmatosaurus transsylvanicus, một loài khủng long ăn cỏ từng tồn tại cách đây khoảng 66–70 triệu năm tại vùng trũng Hateg, Romania.
Tiến sĩ Biancastella Cereser từ Trường Cao đẳng Hoàng gia London cho biết nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu xem khối u trên con khủng long này có thể mang đến thông tin tương đồng với ung thư ở người hay không.
Qua phân tích mẫu vật dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM), các nhà khoa học phát hiện các cấu trúc mật độ thấp trong xương hóa thạch có hình thái giống như tế bào hồng cầu.
Phát hiện này mở ra khả năng sử dụng các sinh vật thời tiền sử để nghiên cứu về các khối u cổ đại, góp phần làm sáng tỏ cơ chế hình thành ung thư ở cấp độ phân tử.
Giáo sư Stebbing nhận định việc quan sát được phần mô mềm liên quan đến khối u cho thấy có thể nghiên cứu ung thư không chỉ ở người hay động vật thí nghiệm mà còn có thể truy dấu vết về hàng triệu năm trước.
Khám phá này sẽ giúp phát triển phương pháp điều trị hiệu quả hơn và là một phần quan trọng trong bức tranh tổng thể về ung thư mà các nhà nghiên cứu đang dần hoàn thiện.