Trang chủ Giáo dụcVăn học NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐẤT: Ly kỳ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng!

NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐẤT: Ly kỳ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng!

bởi Linh

Bấy giờ là năm 1527, Quan hữu vệ Điện tiền tướng quân, An Hòa hầu Nguyễn Kim, thân phụ của Nguyễn Hoàng – để lại đứa con nhỏ cho người anh vợ là Thái phó Uy quốc công Nguyễn Ư Dĩ nuôi dạy – chạy sang nước Ai Lao láng giềng mưu việc trung hưng nhà Lê. Đến năm 1533 thì tìm được con trai của Lê Chiêu Tông là Lê Ninh, tôn làm vua Lê Trang Tông và được vị vua đầu triều Lê Trung Hưng này tôn làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công Chưởng nội ngoại sự.

Từ lời khuyên của Trạng Trình…

Năm 1540, Nguyễn Kim đưa lực lượng trung hưng nhà Lê của mình về chiếm được Nghệ An. Hai năm sau, chiếm tiếp Thanh Hóa, chọn đất Vạn Lại (ở huyện Thọ Xuân bây giờ) làm thủ phủ của “Nam Triều”, chống lại “Bắc Triều” của nhà Mạc.

Nguyễn Hoàng vào lúc này, được Nguyễn Ư Dĩ chăm chút rèn văn luyện võ, nuôi chí lớn, đã trở thành một trang thanh niên tuấn kiệt bèn tìm đường vào “Nam Triều” theo giúp phụ thân lập chiến công ở trận đánh huyện Ngọc Sơn: chém tướng nhà Mạc là Trịnh Chí, được vua Lê Trang Tông khen ngợi: “thực là Hổ phụ sinh Hổ tử” và phong cho tước Đoan Quận công.

Nhưng đến năm 1545, vừa cập tuổi 20 thì họa lớn đã ập xuống đầu Nguyễn Hoàng. Nguyễn Kim bị đầu độc chết và anh rể của Nguyễn Hoàng là Trịnh Kiểm, chồng của chị cả Nguyễn Hoàng là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, đã được Lê Trang Tông phong làm Lượng Quốc công, giữ chức Thái sư thay Nguyễn Kim. Thấy anh trai của Nguyễn Hoàng là tả tướng Lãng Quận công Nguyễn Uông có thể là đối thủ tranh quyền, Trịnh Kiểm đã xuống tay giết chết Nguyễn Uông!

Biết mình sẽ tiếp theo anh trai Nguyễn Uông trở thành cái gai phải nhổ đi, trước mắt Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng một mặt kín đáo giữ gìn, một mặt – theo lời của Nguyễn Ư Dĩ – cho người bí mật ra “Bắc Triều”, tìm đến nơi ở ẩn tại quê hương bên dòng sông Hàn của Tuyết giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm – Trạng nguyên khoa thi năm 1535 của triều Mạc nhưng nổi danh hiền triết khắp Nam Bắc Triều – vấn kế.

NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐẤT: Ly kỳ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng! - Ảnh 1.

Đình làng Thanh Chiêm (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hiện nay) thuộc khu vực Dinh trấn Thanh Chiêm được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng xây dựng vào năm 1602 (Ảnh: LÊ KHANG)

Lặng lẽ tiếp sứ giả của Nguyễn Hoàng, Trạng Trình sau một hồi suy nghĩ, lững thững đi ra chỗ bày hòn non bộ trước sân, đang có một đàn kiến leo bò, thủng thẳng buông một câu bâng quơ: “Hoành sơn nhất đái/Vạn đại dung thân”.

Sứ giả đem câu nói ấy về bẩm với Nguyễn Hoàng. Ngộ ra ý tứ sâu sắc của Trạng Trình: “Hãy vào mạn trong dải Hoành Sơn (đèo Ngang) đi! Nương thân được lâu dài đấy!” – Nguyễn Hoàng nhờ ngay chị Ngọc Bảo của mình nói lót với chồng (Trịnh Kiểm) cho đi vào đất Thuận Hóa làm quan Trấn thủ. Nghe lời vợ, sau khi cân nhắc, Trịnh Kiểm đồng ý.

Thế là vào năm 1558, ở tuổi “tam thập nhi lập” 33, Nguyễn Hoàng cùng những người thân tín, đứng đầu là Nguyễn Ư Dĩ, cả ngàn đồng hương quê gốc Tống Sơn (tức huyện Hà Trung ngày nay) và nghĩa dân 2 xứ Thanh, Nghệ rời khỏi miền đất căn bản của “Nam Triều” đang liên miên cuộc chiến do Trịnh Kiểm đứng đầu, chống đánh “Bắc Triều” của nhà Mạc, lên đường, vượt qua đèo Ngang, thẳng tiến về phương Nam.

… Đến công cuộc mở mang Xứ Đàng Trong

Đoàn thuyền “Nam tiến” dài dặc của Nguyễn Hoàng chọn cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị) đổ bộ, đến xã Ái Tử (nay thuộc huyện Triệu Phong) lập dinh quan Trấn thủ Thuận Hóa, gọi là Dinh Ái Tử – thủ phủ của cả miền đất từ Quảng Bình vào tới Thừa Thiên – Huế ngày nay.

Khéo quản lý miền đất ấy, 11 năm sau, ở tuổi 44 “tứ thập nhi bất hoặc” vào năm 1569, Nguyễn Hoàng lại khéo cả ứng xử với “Nam Triều”: Thân hành mang một số quân lương lớn của Thuận Hóa ra Thanh Hóa, giúp “Nam Triều” chống đánh “Bắc Triều”, đồng thời vừa niềm nở lấy lòng vua Lê Anh Tông (mới kế vị vua Lê Trang Tông) vừa nhún nhường, chiều chuộng Trịnh Kiểm (lúc này đã là Thượng tướng Thái Quốc công). Kết quả thật hậu hĩ: Được phong làm Tổng trấn Tướng quân, kiêm quản luôn cả Xứ Quảng Nam (tức Thừa Tuyên Quảng Nam do vua Lê Thánh Tông lập từ năm 1471) rộng lớn (từ Đà Nẵng tới Bình Định ngày nay).

Từ Thanh Hóa trở về vào đầu năm 1570, ở cương vị là người đứng đầu cả 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, dài rộng từ Quảng Bình vào tới Bình Định ngày nay, Nguyễn Hoàng có thêm 22 năm nữa, ở độ tuổi chín muồi từ 45 đến 67, để từ dinh (thủ phủ) mới, đặt ở làng Trà Bát chếch về mạn Đông Bắc dinh cũ Ái Tử, gọi là Dinh Trà Bát, vừa gìn giữ, bảo vệ vừa quản lý, điều hành, mở mang phát triển mạnh mẽ toàn vùng đất rồi sẽ thành căn bản và địa đầu của cả Xứ Đàng Trong, đối trọng với Xứ Đàng Ngoài, từ Hoành Sơn (đèo Ngang) trở ra, tới biên giới phía Bắc của các vua Lê – chúa Trịnh ở từ thế kỷ sau.

Đặc biệt, vào các năm 1578, 1579, để bảo vệ vùng đất phía Nam Xứ Quảng Nam bị Chiêm Thành gây rối đánh phá, Nguyễn Hoàng đã sai tướng Lương Văn Chánh vừa đem quân tiễu trừ vừa đưa dân vào định cư, tích nhập trên thực tế vào 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam của mình miền đất từ đèo Cù Mông tới đèo Cả, tức tỉnh Phú Yên ngày nay.

Và cũng trong khoảng thời gian này, nhờ sức của 2 gia thần gốc Chăm đã theo mình vào Nam từ năm 1558 là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung, Nguyễn Hoàng trên thực tế đã là người đầu tiên đứng ra đặt quyền làm chủ vùng “Bãi Cát Vàng”, tức quần đảo Hoàng Sa ngày nay.

Mở đất xa về phương Nam và rộng ra ngoài biển Đông như thế nhưng đúng như lời thơ tha thiết của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, vào năm 1593, ở tuổi đã sắp “cổ lai hy” 68, nhân Trịnh Tùng – con trai kế nghiệp Trịnh Kiểm – vừa năm trước đánh thắng “Bắc Triều” đòn quyết định, đưa được lực lượng “Nam Triều” vào làm chủ Thăng Long, Nguyễn Hoàng đã quyết định ra Thăng Long yết kiến vị vua Lê thời Trung hưng thứ tư là Thế Tông và giúp Trịnh Tùng đánh tiếp dư đảng “Bắc Triều”, cùng trấn dẹp các cuộc bạo loạn khác.

Được vua Lê Thế Tông và chúa Trịnh Tùng phong làm Trung quân đô đốc phủ Tả đốc Chưởng phủ sự Thái úy Đoan quốc công, trong vòng 8 năm hoạt động trên đất Bắc, từ năm 1593 đến 1600, từ sắp “cổ lai hy” bước hẳn vào 5 năm đầu của tuổi 70, Nguyễn Hoàng đã khiến mọi người kinh ngạc, khi trở thành một lão tướng đánh đâu thắng đấy và một vị lão thần cáng đáng được đủ các trọng trách, từ việc làm Đề điệu – Chủ khảo thi Đại khoa đến hộ giá nhà vua lên biên giới làm bang giao trong khi vẫn “điều khiển từ xa” công cuộc mở mang 2 xứ Thuận Quảng của mình.

Công tích rực rỡ

Cho đến khi thấy vị thế tự thân đã đủ lớn mạnh, thêm vào là sự ganh ghét, ngờ vực của Trịnh Tùng – lúc này đã thành vị Chúa Trịnh đầu tiên với tước hiệu Bình An Vương – vào năm 1600, ở tuổi 75, Nguyễn Hoàng quyết định việc lớn một lần nữa: Trở về Nam.

Từ đây cho đến lúc qua đời vào năm 1613, Nguyễn Hoàng có thêm 13 năm để tiếp nối 42 năm trước đấy, thành ra 55 năm đứng đầu việc mở mang, phát triển 2 xứ Thuận Quảng và cả rộng xa hơn thế nữa, từ đèo Ngang tới đèo Cả và cả quần đảo Hoàng Sa ngoài biển Đông, với những công tích và sáng tạo tuyệt vời lớn lao:

– Xây dựng những đô thị thủ phủ và đô thị thương cảng làm hạt nhân nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, trong đó ngoài và cùng với tòa thủ phủ thứ ba – sau Ái Tử và Trà Bát – là Dinh Cát (đặt định năm 1600) thì còn có Dinh trấn Thanh Chiêm (mở năm 1602, gọi tắt là Dinh Chiêm) và đặc biệt là Hội An.

– Phát triển nông nghiệp, khiến liên tiếp được mùa, không những đủ thóc gạo nuôi quân dân Thuận Quảng mà còn đem giúp được quân lương cho “Nam Triều” cầm cự rồi đánh thắng “Bắc Triều”; đặc biệt là vẫy gọi, thu hút được nhiều lưu dân từ miền Bắc vào làm ăn, sinh sống ấm no trên miền đất mới ở phương Nam.

– Coi trọng ngoại thương, đặc biệt là việc giao thương với Nhật Bản, rất tỉ mỉ và cụ thể, với bằng chứng để lại là những bức thư tự tay Nguyễn Hoàng viết, gửi cho giới cầm quyền Mạc phủ – Tokukawa, nuôi con nuôi là thương lái Nhật Bản, mở “Phố Nhật” (năm 1589) và “Phố Khách” (năm 1608) ở Hội An…

– Xây dựng hàng loạt chùa chiền ở khắp nơi như: chùa Kính Thiên ở Lệ Thủy, chùa Long Hưng ở Thanh Chiêm, chùa Bảo Châu ở Duy Xuyên…, đặc biệt là chùa Thiên Mụ ở Huế, để kết hợp Phật giáo với tín ngưỡng dân gian tạo nên những giá trị tinh thần, đạo lý và tâm linh cho đời sống văn hóa của quan quân và nhân dân…

Chính là từ những huyền thoại gặp gỡ được cả với thần linh tiên thánh, như ở Thiên Mụ, cộng với công tích rực rỡ của một người đi tiên phong trong công cuộc mở nước ở Phương Nam, cộng với cả tuổi thọ cao nhất của một người đứng trong hàng ngũ quân vương đất nước, mà Nguyễn Hoàng, tuy tước vị chính thức chỉ là Quốc Công, nhưng vẫn được là vị chúa Nguyễn đầu tiên, với danh hiệu tuyệt vời: Chúa Tiên!

Mở mục “Góc nhìn sử gia” từ hôm nay

Kể từ số báo ra ngày 6-11-2022, trên chuyên trang “Người Việt yêu sử Việt”, Báo Người Lao Động có thêm mục đặc biệt “Góc nhìn sử gia”. Trực tiếp phụ trách mục này là giáo sư – nhà sử học Lê Văn Lan.

Trong suốt 30 tuần, mỗi tuần nhà sử học Lê Văn Lan gửi đến bạn đọc một bài, đề cập một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử nổi tiếng liên quan đến vùng đất phương Nam. Nội dung được chia thành từng tuyến để độc giả dễ theo dõi, bao gồm: Những người mở đất, Những người giữ đất, Những người làm hoa cho đất.

Sử gia Lê Văn Lan là một trong những người sáng lập Viện Sử học Việt Nam, ông công tác tại viện này từ năm 1960. Mới đây, ông nhận lời phụ trách mục “Góc nhìn sử gia” tại “Người Việt yêu sử Việt” – chuyên trang được Báo Người Lao Động ra mắt từ cuối tháng 8 năm nay.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm